Với môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh và cư trú của Người nước ngoài ở Việt Nam, số lượng Người nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam ngày càng tăng và họ cũng tạo dựng được nhiều tài sản như tiền mặt trong các tài khoản ngân hàng, bất động sản là các chung cư, động sản là xe cộ hay các tài sản khác. Bên cạnh đó, một lượng lớn Người nước ngoài đầu tư thành lập doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, họ có thể sở hữu toàn bộ hoặc một phần Cổ phần/Phần vốn góp trong doanh nghiệp. Một trong những mối quan tâm của Nhà đầu tư cá nhân người nước ngoài, trong trường hợp họ chết đi, những tài sản là Cổ phần/Phần vốn góp trong doanh nghiệp sẽ được giải quyết như thế nào, họ có thể lập di chúc để định đoạt Cổ phần/Phần vốn góp cho những người họ mong muốn để lại hay không. Sau đây là một vài phân tích để các Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài xem xét việc thừa kế tài sản Cổ phần/Phần vốn góp của mình:
1. Pháp luật áp dụng
Theo quy định tại Điều 680 Bộ Luật Dân Sự 2015, thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết, ngoại trừ tài sản là bất động sản ở Việt Nam thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết. Mặc dù Cổ phần/Phần vốn góp trong các doanh nghiệp ở Việt Nam là tài sản phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng tài sản này được xác định là động sản nên pháp luật của nước mà Người nước ngoài đang có quốc tịch ngay trước khi chết sẽ được áp dụng để giải quyết. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 681 Bộ Luật Dân Sự 2015, năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
Do đó, để xem xét vấn đề thừa kế đối với các tài sản là Cổ phần/Phần vốn góp của Người nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, Người nước ngoài hay người được nhận thừa kế cần phải nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của nước mà Người nước ngoài có quốc tịch ngay trước khi chết hay tại thời điểm Người nước ngoài lập di chúc. Hay nói cách khác, Người nước ngoài nên được tư vấn bởi luật sư am hiểu quy định pháp luật của nước mà Người nước ngoài đang có quốc tịch để lập di chúc hoặc tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan tới việc thừa kế tài sản là Cổ phần/Phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam.
Vì đặc thù Cổ phần/Phần vốn góp đang là tài sản ở Việt Nam nên di chúc cần được phải được Việt Nam công nhận thì mới tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký ghi nhận người thừa kế là Cổ đông/Thành viên góp vốn mới, nên Người nước ngoài cần lưu ý hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập và được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
- Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết.
2. Tiếp nhận tài sản của người thừa kế
Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2020, khi Cổ đông/Thành viên góp vốn chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của Cổ đông/Thành viên góp vốn đó đương nhiên là Cổ đông/Thành viên góp vốn mới của doanh nghiệp mà không cần phải có sự chấp thuận của các Cổ đông/Thành viên khác.
3. Đăng ký cho người thừa kế là Cổ đông/Thành viên góp vốn mới trong doanh nghiệp
Khi người nước ngoài chết, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận người thừa kế là Cổ đông/Thành viên góp vốn mới. Khi thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp phải nộp kèm theo tài liệu, văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế đối với Cổ phần/Phần vốn góp, trong trường hợp tài liệu được cấp ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở nước ngoài thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch sang tiếng Việt trước khi nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Người thừa kế trở thành Cổ đông/Thành viên góp vốn mới của doanh nghiệp khi:
- Đối với Công ty Cổ phần: doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục đăng ký cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan đăng ký kinh doanh và người thừa kế đã được ghi nhận là cổ đông trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty cổ phần.
- Đối với Công ty TNHH: doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để ghi nhận người thừa kế là thành viên góp vốn mới.
Xin lưu ý rằng, đối với trường hợp doanh nghiệp hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bên cạnh việc đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thay đổi Cổ đông/Thành viên góp vốn mới thì doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin Nhà đầu tư trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.