Năm 2015, vợ chồng ông A và bà B đã lập Di chúc để lại Di sản thừa kế cho chị C, là con gái ruột của ông bà. Di sản thừa kế mà chị C nhận được là mảnh đất có Diện tích 60m2 tại phường V, quận B, thành phố Hà Nội, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên ông A và bà B. Ông A mất 2020. Bà B mất 2023. Tháng 11/2023 chị C đề nghị Poco Team tư vấn, hỗ trợ thực hiện thủ tục để chị đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên.
Sau khi nhận được yêu cầu Dịch vụ, Poco Team đã đề nghị Khách hàng cung cấp một số giấy tờ sau để thẩm tra, xây dựng phương án pháp lý:
1. Sổ đỏ đứng tên ông A và bà B nhằm chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại thừa kế;
2. Di chúc của ông A và bà B;
3. Giấy chứng tử của 2 ông bà để xác định thời điểm mở thừa kế theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2015;
4. Giấy khai sinh của chị C: để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con; đồng thời là căn cứ chứng minh chị C là đối tượng được miễn thuế Thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014; miễn Lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP.
5. Giấy khai sinh của ông A và bà B để xác định bố mẹ của ông bà, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 và có thể họ là những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.
6. Giấy chứng tử của bố mẹ ông A và bà B để chứng minh họ đã mất và trong quan hệ thừa kế này không có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
7. CCCD và/hoặc CMT của chị C; ông A và bà B;
8. Lý lịch đảng của ông A; bà B hoặc chị C (nếu có): Lý lịch đảng là bản tóm tắt quá trình hoạt động và đóng góp của cá nhân trong đảng bao gồm cả các thông tin về nhân thân; các thành viên trong gia đình. Thông tin tại Lý lịch đảng được thẩm tra nên trong một số trường hợp có giá trị chứng minh, có thể thay thế được các giấy tờ đã thất lạc.
Sau khi nghiên cứu các giấy tờ do Khách hàng cung cấp, Poco Team đã có các nhận định như sau:
Tổng quan; Giấy tờ Khách hàng cung cấp khá đầy đủ và rõ ràng:
– Sổ đỏ bản gốc đứng tên của ông A và bà B; hiện trang 4 – trang bổ sung thông tin – không có cập nhật gì gây khó khăn.
– Giấy chứng tử của bố mẹ ông A và bà B bị thất lạc. Tuy nhiên chị C cung cấp được lý lịch đảng của ông A; có đầy đủ thông tin Họ tên, năm mất của bố mẹ đẻ ông A và bố mẹ đẻ bà B.
– Vợ chồng ông A và bà B có một người con nữa là anh D. Anh D đã được chia một phần tài sản khác của ông A và bà B theo một Di chúc độc lập khác.
– Di chúc được lập theo quy định tại Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015 và được công chứng bởi Phòng công chứng số 2 Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, khi xem xét Di chúc của ông A và bà B; Poco Team nhận thấy:
Thông tin mảnh đất mà ông A và bà B ghi tại Di chúc được lấy từ hợp đồng mua bán đã được ký kết từ rất lâu, diện tích tại hợp đồng mua bán có ghi 147m2. Di chúc được lập năm 2015. Năm 2017, khi thực hiện thủ tục làm sổ đỏ, đã có phần Diện tích bị điều chỉnh, sổ đỏ ghi nhận vợ chồng ông A và bà B sở hữu 150m2 thay vì 147m2 như Hợp đồng trước đây. Khi làm xong Sổ đỏ, ông bà đã quên không cập nhật thông tin vào Di chúc.
Do thông tin tại Di chúc và sổ đỏ hiện tại đang không khớp, nên Di chúc hiện không sử dụng được trên thực tế.
Sau khi trao đổi với gia đình, Poco Team đã đề xuất giải pháp thay thế là “Từ chối Di chúc”. Cụ thể chị C sẽ làm thủ tục từ chối nhận tài sản theo Di chúc để thực hiện việc chia tài sản thừa kế nêu trên theo pháp luật. Chị C và anh D sẽ làm thủ tục phân chia Di sản theo pháp luật; theo đó, anh D sẽ đồng ý nhận phần thừa kế mà mình được hưởng, sau đó tự nguyện tặng cho toàn bộ kỷ phần thừa kế này cho Chị C.
Các thủ tục đã thực hiện gồm: Công chứng văn bản Từ chối Di sản, Niêm yết văn bản phân chia Di sản giữa chị C và anh D; Sang tên sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Chị C đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất 150m2 tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Nhà đất là tài sản riêng của chị và sổ đỏ đứng tên một mình chị.
Từ vụ việc trên, chúng tôi có một số lưu ý khi bố mẹ lập Di chúc để lại tài sản nhà đất cho con như sau:
– Thông tin ghi tại Di chúc phải thật chính xác;
– Di chúc liên quan tới tài sản nhà đất nên được lập tại Phòng công chứng để thuận tiện cho thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận sau này;
– Nhà đất khi chưa được cấp sổ đỏ khi lập Di chúc cần làm thủ tục đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật để có căn cứ ghi nhận Diện tích đất để lại cho người được nhận thừa kế. Khi nhà đất được cấp sổ đỏ thì cần cập nhật sớm nhất thông tin sổ đỏ vào Di chúc hoặc lập lại Di chúc mới thay thế.
Trong vụ việc trên, chị C dễ dàng lựa chọn phương án Từ chối Di chúc bởi hai anh em chị C và D rất hòa thuận. Anh D hỗ trợ hết mực để chị C được đứng tên phần Di sản thừa kế mà bố mẹ cho. Giả sử rằng nếu anh C và chị D không hòa thuận, nếu chị C từ chối Di chúc sẽ có rủi ro là khi chia tài sản theo pháp luật anh D sẽ có một nửa quyền đối với phần Di sản thừa kế của bố mẹ cho chị C. Khi đó vụ việc có thể diễn tiến theo chiều hướng phức tạp.
Để bảo vệ quan hệ gia đình, khi lập Di chúc liên quan tới tài sản nhà đất, người lập Di chúc cần thực hiện cẩn thận. Di chúc nên được lập tại Phòng công chứng và nếu có điều kiện thì tham khảo ý kiến Luật sư trước khi lập Di chúc.
Thông tin liên hệ
Nếu cần tư vấn/ trợ giúp pháp lý các vấn đề pháp luật thì hãy liên hệ ngay tới bà Phạm Thị Phương Anh – Luật sư Đoàn luật sư TP. Hà Nội theo số điện thoại 0981410889 để nhanh chóng nhận được sự tư vấn, hỗ trợ và giải quyết vụ việc.
Bài viết này được viết bởi Đặng Vũ Minh – Văn phòng Poco Hà Nội.