Pháp luật đôi khi cũng rất máy móc. Sự máy móc này thể hiện khá rõ qua một số vụ việc thừa kế theo pháp luật. Dưới đây là chia sẻ của Pocoteam qua một vụ việc thực tiễn.
Tình huống vụ việc: Bố ông A mất năm 2023, thọ 95 tuổi. Khi mất, bố ông không có di chúc. Tài sản bố ông để lại là 1/2 căn nhà tại phố Trần Quang Khải, Hà Nội. Ông A có đề nghị Poco Team tư vấn và hỗ trợ thủ tục để ông và người thân trong gia đình nhận tài sản thừa kế theo pháp luật.
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 về Người thừa kế theo pháp luật thì “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”
Người chết trong trường hợp này là bố ông A. Cha đẻ, mẹ đẻ của bố ông A (ông bà nội ông A) đã mất từ lâu, nếu còn sống thì ông bà nội ông A hẳn đều thọ trên 125 tuổi. Ông bà mất từ thời đất nước còn chiến tranh nên không có (hoặc đã thất lạc) Giấy chứng tử.
Khi tiến hành làm thủ tục thừa kế theo pháp luật, vướng mắc nảy sinh là không có giấy tờ chứng minh ông bà ông A đã mất. Các Văn phòng công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai đều yêu cầu giấy tờ chứng minh và từ chối giải quyết nếu không đáp ứng yêu cầu về giấy tờ này. Một số người dân rất bức xúc với việc này và coi đây là hạch sách, bắt bẻ giấy tờ, vì ai cũng biết các cụ đã mất, không thể sống tới chừng đó tuổi. Tuy vậy, về mặt pháp luật đây là giấy tờ pháp lý bắt buộc, các cụ là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, các cơ quan, tổ chức liên quan phải có căn cứ hàng thừa kế thứ nhất chắc chắn không còn sót ai để tránh phát sinh tranh chấp thừa kế sau này.
Đối với những trường hợp người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã chết mà gia đình không có hoặc đã làm thất lạc Giấy chứng tử, Pocoteam sẽ hướng dẫn xử lý theo một trong 04 cách sau đây:
Cách 1: Xin trích lục chứng tử của người mất từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Căn cứ khoản 1 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vì vậy, bản trích lục Giấy chứng tử được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch cũng có giá trị sử dụng thay cho bản chính.
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm Cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều kiện là phải có thông tin về đăng ký khai tử của các cụ trong sổ gốc được lưu trữ tại cơ quan nhà nước.
Cách 2: Xem Lý lịch Đảng viên của các thành viên trong gia đình, có thể có thông tin ghi nhận Ông bà nội/ngoại đã mất vào năm nào. Nếu bản Lý lịch Đảng viên có ghi thông tin thì có thể dùng để giải trình thay thế Giấy chứng tử.
Lý lịch đảng là bản tóm tắt quá trình hoạt động và đóng góp của cá nhân trong đảng bao gồm cả các thông tin về nhân thân; các thành viên trong gia đình.
Trong tờ khai Lý lịch đảng viên, sẽ có mục quan hệ nhân thân của Đảng viên với người thân như: bố, mẹ, anh, chị, vợ, con, ông bà nội/ngoại. Ở mỗi quan hệ, phải ghi cụ thể: Họ và tên, năm sinh, trường hợp mất phải ghi rõ năm mất, nguyên nhân mất, thông tin, địa điểm mất, … Lý lịch đảng được xác nhận, đóng dấu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong một số trường hợp, có thể thay thế được các giấy tờ chứng minh.
Cách 3: Xác nhận phần mộ của các cụ tại nghĩa trang.
Chúng tôi sẽ hỗ trợ soạn thảo và hướng dẫn Khách hàng gửi Văn bản xác nhận phần mộ đến UBND cấp Xã trực tiếp quản lý Nghĩa trang trên địa bàn nơi các cụ đang được an táng. Văn bản sẽ được xác nhận bởi quản trang, trưởng thôn và UBND Xã.
Văn bản xác nhận phần mộ nêu đầy đủ thông tin cần thiết, được đóng dấu của UBND Xã, có thể thay thế được các giấy tờ chứng minh.
Cách 4: Những người thừa kế làm văn bản cam kết với nội dung Ông bà nội/ngoại đã mất trước khi bố mẹ mất và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp xảy ra.
Đây là giấy tờ chứng minh có giá trị pháp lý thấp nhất, được coi là phương án cuối cùng khi người thân của người chết đã thực hiện những cách thức trên nhưng không có kết quả.
Việc cam đoan, cam kết này phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, mong muốn của người viết cam đoan nên giá trị pháp lý không cao. Trên thực tế, để hạn chế rủi ro cho Phòng công chứng, một số công chứng viên không chấp nhận Giấy cam đoan này khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến người đã mất.
Thông tin liên hệ
Nếu cần tư vấn/ trợ giúp pháp lý các vấn đề pháp luật thì hãy liên hệ ngay tới bà Phạm Thị Phương Anh – Luật sư Đoàn luật sư TP. Hà Nội theo số điện thoại 0981410889 để nhanh chóng nhận được sự tư vấn, hỗ trợ và giải quyết vụ việc.
Bài viết này được viết bởi Đặng Vũ Minh – Văn phòng Poco Hà Nội.