Quy định nồng độ cồn bằng 0 như Việt Nam có phải là độc nhất vô nhị?

Vài tháng trở lại đây, việc CSGT tăng cường lập chốt kiểm tra đã làm nóng lên những tranh luận xung quanh quy định nồng độ cồn 0mg/lít khí thở đối với tài xế, tức là không có “vùng xanh”.

Thực tế, các nước trên thế giới đều có xu hướng siết quy định về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông, nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Ở một số nước, luật không được tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia, mà để cho các địa phương tự soạn thảo dựa trên tình hình thực tế, thậm chí còn có quy định khác nhau cho từng đối tượng tài xế khác nhau. Ví dụ, với lái mới và/hoặc tài xế chuyên nghiệp (lái taxi hoặc xe buýt), giới hạn nồng độ cồn cho phép sẽ thấp hơn. Quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy có thể cũng khác người điều khiển ô tô.

Một số nước thậm chí áp dụng quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với tất cả tài xế, Việt Nam không phải trường hợp độc nhất vô nhị. Có thể điểm nhanh một số nước có quy định nồng độ cồn đối với tài xế giống Việt Nam như Armenia, Azerbaijan, Bangladesh, Brazil, CH Séc, Hungary, Jordan, Kyrgyzstan, Iran hay Pakistan…

Tuy nhiên, phần lớn các nước đều có “vùng xanh” đối với quy định giới hạn nồng độ cồn trong máu của tài xế.

Ngoài mức 0, thấp nhất hiện nay là giới hạn 0,02% ở các nước như Trung Quốc, Estonia, Ba Lan, Thụy Điển…

Mức 0,03% được áp dụng ở các nước như Serbia, Nhật Bản và Uruguay.

Phổ biến nhất là giới hạn 0,05%, được áp dụng ở hầu hết các nước Tây Âu. Argentina, Australia, Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), Israel, Italy, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… là các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng mức giới hạn này.

Một số ít nước quy định mức giới hạn cao hơn là 0,08%, gồm: Mexico, New Zealand, Na Uy, Puerto Rico, Singapore, Anh…

Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Hiện nay tại Việt Nam, cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo bằng ống thở và bổ sung bằng phương pháp xét nghiệm máu.