Thế hệ 199x thi đại học như thế nào?

ANTU services

Không như các bác 7x, 8x bởi vì cái thời đó đất nước còn đang khó khăn, người ta chưa quan tâm cái sự học và đời sống còn nghèo nên số người được đi học đại học cũng như có trình độ đại học đã thuộc tầm cơ kinh khủng lắm rồi. Nghe đâu ngày đó, cả làng hay cả huyện chỉ được 2 người lên thủ đô học là đã trở thành những tấm gương, những truyền thuyết hay chỉ đơn giản là “con nhà người ta” của toàn khu vực. Để rồi thế hệ sau – thế hệ 9x được các vị phụ huynh vỗ vào mặt rằng: “Ngày xưa chúng tao khổ lắm, bây giờ chúng mày sướng mà không biết hưởng, chỉ biết ăn với học mà còn không nên thân” hay như mẹ tôi vẫn lải nhải là: “Mẹ mày với bố mày đều có trình độ đại học, mày mà trượt đại học thì chỉ có suy thoái nòi giống”. Dường như đối với 9x thời đó, thi đại học là một cái sự kiện rất trọng đại – một mốc quan trọng của cuộc đời, bản thân tác giả bài viết sinh năm 1995 cũng đã từng trải qua cảm giác đó.

con nhà người ta - ANTU services

Chúng tôi – những thế hệ 9x được sinh ra trong thời kỳ đất nước hội nhập phát triển, ai cũng cảm nhận được sự thay đổi từng ngày. Hồi đấy chưa có internet, trẻ con còn chơi với nhau ngoài đường, chứ không ngồi cả ngày chỉ để xem youtube như bây giờ. Nào thì lăn lê cống rãnh, nghịch đủ trò, chơi đủ kiểu rồi nhưng pha đi chơi điện tử 4 nút bị phụ huynh bắt gặp chỉ có ăn đòn nát đít. Hồi đấy tầm lớp 1 – lớp 2 nhìn các anh cấp ba cao to là thấy ngầu lắm được thoải mái tự do, lướt xe máy ầm ầm trên đường, cũng ước ao được như vậy. Thời gian cũng trôi đi, trải qua 12 năm học, những cô nhóc, cậu nhóc đó cũng vào 12.

Vào lớp 12, cảm giác thời gian 1 ngày là không đủ, lúc nào cũng phải học (chắc bây giờ cũng thế), từ học trên trường rồi đi học thêm chỉ về nhà sau 9h tối. Về nhà cơm nước xong thì cũng vào bàn ngồi tiếp. Ờ thì đấy là các bạn chăm thôi, còn các bạn lười cũng bị bắt đi học thêm nhưng xong về nhà chơi điện tử :). Học thì ấm vào thân mà. Cơ mà chơi cũng không xong, những năm 2012-2013, người người nhà nhà chơi Dota1 như chơi LoL bây giờ. Xui là mình đặt nick theo năm sinh và thế là vào room là ăn kick. Đại loại là “kick thằng 95 để nó còn ôn thi Đại Học”

ôn thi đi nhé 95
Bây giờ xem lại cái ảnh này vẫn không khỏi buồn cười. Thôi dù sao không chơi được thì cũng phải học.
ôn thi đi nhé 95
rip 96 :))

Mà còn phải đàm đạo với các vị phụ huynh là thi trường gì, đặt nguyện vọng nào, không thì cha mẹ đặt đâu con cũng nằm đấy. Xong rồi đăng ký thi thử, tính mình được bao nhiêu điểm, có nên thi tiếp không hay là đi “phụ hồ”. Rồi trước khi thi đại học phải thi tốt nghiệp nữa. Cảm thấy may mắn cho các em bây giờ vì đã gộp 2 kỳ thi lại và thi xong thì mới chọn trường nên thoải mái tự do hơn.

Ấy thế mà 1 năm trôi qua cũng nhanh thực sự, cái lễ tốt nghiệp năm ấy cũng là cái ngày kết thúc cuộc đời học sinh, cũng vừa vui và thấm đẫm nước mắt, ngay cả những anh đầu gấu hay trái tim sắt đá đến đâu cũng phải khóc rống lên trong phòng karaoke khi chúng nó bật bài “Tạm biệt nhé” của Lynk Lee. Ba năm dù có thân hay không thân cũng chỉ gói gọn cảm xúc trong ngày đó. Sau đó mọi người tạm biệt nhau để mở đi những lối riêng cho cuộc đời mình.

Cơ mà hệ thống thi cử cũ thì nó cũng có “thú” của nó, cũng không biết có phải thiệt thòi cho các em bây giờ không, đó là muốn thi đại học thì phải lên thủ đô. Đối với những đưa sinh ra ở tỉnh lẻ, thì được lên thủ đô vài ngày thì như là mở ra một thế giới mới vậy. Nào là xe cộ tấp nập, nhà cao tầng chung cư chọc trời và được “dừng đèn đỏ”, có đứa cảm giác đi thi chả khác gì đi du lịch, phải bắt mẹ cho đi khắp nơi: ra bờ hồ Gươm ăn kem tràng tiền, thăm Văn Miếu để sờ đầu rùa, đi ăn bánh tôm Hồ Tây… Thời điểm, dân số ở Hà Nội như tăng gấp đôi vậy, nhưng người dân ở đây lại trở nên thân thiện một cách lạ thường, như thể hiện niềm hiếu khách bao lâu nay của cha ông ta.

đi thi hay đi chơi?
Đi thi hay đi chơi???

Thằng bạn mình được bố đèo lên thủ đô để thi, đi kiểu gì phi thẳng xe máy lên cao tốc ô tô, ngỡ tưởng bị phạt nhưng mấy anh CSGT chỉ nhắc nhở và chỉ đường cho. Rồi sự hiếu khách và thân thiện của các bác chủ trọ , biệt đội áo xanh thanh niên xung phong và còn cả vụ CSGT đến tận phòng trọ để đèo thí sinh đi thi chỉ vì “ngủ quên”… Những lúc đó, thủ đô Hà Nội hiện lên thật đẹp, thật hào phóng đối với người vị khách không mời.

Sau những giờ thi căng thẳng, luôn là những câu hỏi han động viên từ bạn cũng nhưng người thân trong gia đình: “Mày làm được bài không?”, “Hôm nay cháu thi thế nào?”, “Liệu được bao nhiêu điểm?”. Ba ngày trôi qua như vậy đó, tuy nhanh nhưng cũng đủ để nhớ mãi. Tất cả rồi ai về nhà nấy trả lại “thanh bình” cho Hà Nội

Tiếp theo là những ngày tháng xả hơi, quẩy tưng bừng như trút bỏ được gánh nặng thi cử. Người thì đi du lịch, người thì tụ tập bạn bè ăn chơi. Điều quan tâm nhất bây giờ là công bố kết quả điểm thi.

kick nữa đi xem nào???
Thi xong rồi thì quẩy thôi?

Lúc đó, có giấy thông báo “Đỗ” là niềm vui to to mọi nhà có con cái thi đại học. Mọi thành quả, sự nỗ lực hay may mắn đều được đền đáp. Còn những đứa không “đỗ” thì sao? Chúng nó chỉ biết tự an ủi mình và gia đình, trở nên im lặng lạ thường, có phần tự ti xa lánh với các bạn, hay chỉ cười trừ khi người khác hỏi. Có đứa thì chấp nhận nguyện vọng 2, hay ôn để năm sau thi lại. Cái tuổi đấy thường hay điên điên rồ rồ lắm, đến bây giờ nhìn lại thì vẫn thấy mình bị khùng. 🙂

Thôi viết đến đây thì cũng khá dài, tác giả cũng có đôi lần nhắn nhủ với các em đang thi đại học: “Chúng mày bây giờ cũng sướng lắm, có thiếu thứ gì đâu cũng chỉ ăn với học. Thi đại học xong thì được tự do tha hồ lên đây ăn chơi nhảy múa. Cơ mà học đại học cũng chả sung sướng gì đâu. Vì cuộc đời mà, vẫn phải chạy thôi. Chúc may mắn.!!!”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *